Sự phụ thuộc vào năng lượng Nga của EU đang gây chia rẽ trong phản ứng của phương Tây đối với cuộc khủng hoảng Ukraine
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại Pháp trong 2 ngày 10 và 11-3, tập trung thảo luận tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine đối với kinh tế, chi tiêu quốc phòng và nguồn cung năng lượng của khối.
Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này diễn ra giữa lúc chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine bước sang ngày thứ 15, khiến hơn 2 triệu người tị nạn chạy sang các nước khác, trong đó chủ yếu là Ba Lan.
Trong bối cảnh như thế, theo giới chức nước chủ nhà, các nhà lãnh đạo EU dự kiến xem xét lời kêu gọi EU nhanh chóng cho Ukraine gia nhập của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một quan chức EU nhận định triển vọng về một kết quả như thế vẫn còn xa vời. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo bàn về việc tăng cường quan hệ với Ukraine trong các lĩnh vực như kinh tế, năng lượng…
Ngoài ra, hội nghị còn bàn thảo các nội dung liên quan đến an ninh và quốc phòng. An ninh tập thể tại EU chủ yếu do NATO đảm nhận nhưng Pháp muốn khối này đóng vai trò lớn hơn. Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát, EU đã thông qua khoản viện trợ quốc phòng trị giá nửa tỉ euro cho Ukraine. Đức cũng có động thái đáng chú ý khi thông báo sẽ chi 100 tỉ euro cho quốc phòng.
Một tàu chở LNG từ Mỹ đến TP Swinoujscie – Ba Lan. Tăng cường mua LNG là một trong những biện pháp được kỳ vọng giúp EU giảm nhập khẩu khí đốt từ NgaẢnh: Reuters
Tuy nhiên, chủ đề chính của hội nghị là nhanh chóng tìm biện pháp giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga để bảo đảm EU không còn phải đối mặt các quyết định khó khăn khi khủng hoảng địa chính trị nổ ra.
Cú sốc giá năng lượng do xung đột Nga – Ukraine đang đe dọa đến nền kinh tế EU vốn vẫn đang phục hồi sau đại dịch Covid-19. Sự phụ thuộc nói trên cũng gây chia rẽ trong phản ứng của phương Tây đối với cuộc khủng hoảng. EU trong tuần này từ chối tham gia với Mỹ và Anh trong việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga.
Theo thống kê, khí đốt Nga hiện chiếm 40% tổng lượng khí đốt nhập khẩu vào EU. Với dầu và than đá, tỉ lệ này là 27% và 46%. Dù vậy, các con số này có thể giảm dần nếu giới lãnh đạo EU hiện thực hóa được cam kết đưa ra tại hội nghị.
Cụ thể, theo AP, dự thảo tuyên bố của hội nghị nêu rõ lãnh đạo các nước thành viên EU nhất trí giảm dần sự phụ thuộc của khối vào dầu, khí đốt và than đá Nga, cũng như chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc này “trước năm 2030”.
Trước mắt, Ủy ban châu Âu (EC) hôm 8-3 công bố kế hoạch được kỳ vọng sẽ giúp EU giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong vòng một năm thông qua những bước đi như tăng cường mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng…Vấn đề được quan tâm là kế hoạch trên sẽ được thực hiện thế nào, cũng như yếu tố tài chính của nó.
Hoàng Phương – Người Lao Động